Việt nam, những ngày đương tết.
Chuyến bay hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất trong cái nắng oi ả của Sài Gòn. Tôi cất vội hành lý để đi lễ chiều thứ bảy như một thói quen. Lễ đêm thứ bảy bình yên và chính nó sẽ khởi đầu cho một ngày Chúa Nhật ồn ã sau đó.
Nhà thờ vắng lặng.
Phía ngoài, dân chúng đang chụp ảnh mới mấy cái phông tết.
Bên trong tĩnh lặng, vài ông bà cụ đến sớm lọ mọ phủi bụi dãy bàn quỳ.
Tôi rón rén bước vào, nép bên sát vách tường để làm dấu và bắt đầu suy tư.
Loạt tin nhắn đổ tin run bần bật điện thoại.
Tôi cầm rồi ngó lên
Tôi bất giác thấy anh.
Tác phong áo thun đơn sắc, bỏ vào quần, dép da. Phong cách của một ông thầy tu không lẫn vào đâu được.
Anh Th.
Ngày ấy, chúng tôi sống ở hai nhà khác nhau, nhưng chung một bề trên. Anh thuộc lớp đàn anh, đã học xong triết học và chuẩn bị bước vào năm tập sau thời gian chờ đợi hơn ba năm. Cứ mỗi sáng thứ bảy là hai nhà chúng tôi đi đá banh bên sân bóng vùng ven Sài Gòn. Thể trạng tôi dễ đuối sức, nên chỉ được các anh đưa ra trận khi vào gần hết hiệp hai. Đó cũng là thời điểm mà tôi ngáo ngơ xuất thần ghi bàn thắng nhờ mấy pha ăn cơm nguội trong vòng cấm.
Cả đám đàn anh phe đối phương đều nhè mặt tôi mà chửi và hơn thua với trọng tài. Nhưng chẳng hề biết, trọng tài là anh và tôi chung một phe. Bởi thế, chúng tôi luôn phì cười trước những sự hậm hực của mấy anh ấy.
Hơn một năm sau đó, anh lên nhà tập rồi tuyên khấn.
Dòng gửi anh ra nước ngoài phục vụ trong hai năm.
Chưa tròn hai năm, anh bỏ về trong sự bất ngờ của mọi người. Nghe đâu, tính cách anh hiền lành nhưng thẳng tính nên không cam chịu được, kèm những sự bất mãn dồn nén lâu ngày bùng phát.
Anh rời đi trong mớ rối ren.
Nhiều năm sau đó, tôi được nghe bảo anh đi Campuchia dạy học thiện nguyện. Lúc lại nghe nói gặp anh làm việc ở miền Tây. Người thì bảo anh đi điều trị tâm lý sau thời gian khủng hoảng.
Chiều nay, tôi nhìn thấy anh trong cái thoáng nét từ xa trong góc giáo đường cổ kính giữa Sài Gòn.
Giờ lễ vừa tan, tôi đi dọc sân nhà thờ hy vọng nhìn thấy anh.
Dòng người lấy xe ra về hối hả ngược xuôi.
Có khi nào chính tôi và anh gặp nhau hơn chục năm, không biết phải khởi đầu câu chuyện thế nào. Không gặp được tôi, anh không phải nhớ đến những kỷ niệm buồn thuở trước.
Nhưng thế nào, tôi vẫn nhớ anh trong lời cầu nguyện của mình, và trong hành trình không mệt mỏi của chính tôi.
Thời gian hóa ra không chữa lành vết thương nào cả, chúng ta phải chung sống và quen dần với nó.