Lần cuối cùng tôi ăn bánh đúc là khi nào tôi cũng không nhớ nữa. Có lẽ với một đứa thích nước ngọt như tôi thì mấy cái vụ bánh trái cũng không có ý nghĩa gì. Tôi hay nói mấy đứa bạn “Sao này tôi chết cứ đặt một chai Cocacola và mấy cái viết chì trên bàn thờ là được rồi”.
Cùng một hệ số cân bằng với tôi, em là người cực kỳ ghét bánh đúc.
Ngày mẹ em mất, em chỉ mới ba tuổi. Cái tuổi vẫn chưa biết sự sống hay cái chết là gì ? Ngày tang lễ, em thấy mẹ nằm đó cứ như thể là mẹ đang ngủ nên em cứ chạy lon ton chơi với mấy đứa nhóc hàng xóm. Rồi đến khi em nhận ra sự vắng bóng của mẹ trong nhà, thì đã quá muộn. Mẹ em đã nằm sâu trong lòng đất với những cành huệ trắng.
Vài năm sau, bố em dẫn một người đàn bà khác về nhà. Mười bảy tuổi, em hiểu bố cần một người khác với bố lúc tuổi già.
Em lầm lì ít nói, chỉ nhoẻn vài nụ cười xã giao với người đàn bà lạ. Mấy đứa trong lớp em bảo “Mẹ kế không có thương con chồng đâu, mày phải cẩn thận”. Em bắt đầu e dè với những lần người đàn bà ấy gọi em ra ăn cơm, chuẩn bị đồ cho em đi học.
Ừ ! Bà ấy thì là “mẹ kế”.
Năm học cuối cấp 3, đang ngồi trong lớp thì thằng Bin, đứa trẻ hàng xóm nhà em, lao thẳng đến bàn em “Bố chị bị tai nạn, về ngay đi”.
Em cuống cuồng trở về nhà với sự thất thần hiện rõ trên khuôn mặt. Đứng đằng sau cánh cửa kính phòng cấp cứu, em không biết phải làm sao. Người đàn bà ấy đẩy tay em “Vào mà gặp bố mày lần cuối !”.
Bố em là nhân viên của một công ty xây dựng. Hôm ấy đi ra công trường, bố em bị thang máy rơi trúng vào.
Bố em ra đi khi gần ngày giỗ mẹ. Lần đầu tiên, em thật sự hiểu “thân phận kẻ mồ côi” là thế nào. Ca đoàn giáo xứ cất vang bài hát “Người nằm xuống giã từ trần gian”. Chiếc quan tài nhè nhẹ trở về với đất mẹ. Em lặng lẽ đứng nhìn, thỉnh thoảng lại nhìn người đàn bà kia. Giờ thật sự chỉ còn hai người dưng sống với nhau.
Lúc tôi đến xứ đạo của em, cũng là lúc em chuẩn bị khăn gói đi thi đại học. Điều đầu tiên đập vào khuôn mặt của em là em hay cười nhưng không bao giờ nói gì cả. Mấy đứa trong lớp giáo lý bảo tôi “Nó là con mồ côi đó anh !”. Mười tám tuổi, em bắt đầu biết ngượng ngùng đầu tiên của tuổi mới lớn. Nhưng chẳng có ai bên em để mà thắc mắc.
Tôi lững thững đến gần chổ em “Sao đấy ? Gốc mít có tội gì mà hành hạ thân nó thế ?”.
Em mỉm cười. Không tươi lắm.
Tôi ngồi đấy, nghe em kể câu chuyện đời mình, như thể là một người lạ chưa hề biết gì.
Em ngập ngừng “Không biết em có nên học đại học không ?”. Câu hỏi của em làm tôi bực mình “Em phải học đại học, em phải quyết tâm lên chứ. Anh sẽ hỏi giúp !”
Đêm hôm đó, tôi nhấc điện thoại hỏi mấy đưa bạn của tôi “Chổ em còn chổ ở không ?”; hỏi mấy sơ mà tôi quen, có suất học bổng toàn phần nào cho em không.
Thời gian thấm thoát trôi …
Em cũng vượt vùng sương mờ mà đến với Sài Gòn đô hội. Em đang bắt đầu với những điều mới lạ.
Lâu lâu, mỗi khi có dịp anh em chúng tôi ngồi với nhau
“Khỏe không ? Có quen anh chàng Sài Gòn chưa ?”. Tôi dò hỏi
“Chưa anh ạ, gái quê người ta không thích đâu” Em bẽn lẽn
Ừ ! Em là cô gái quê, chẳng phải con gái quê bình thường mà là cô gái miền sơn cước cơ đấy. Có chăng, em chạnh lòng vì hai tiếng gia đình. Gia đình của em giờ đây chỉ còn mình em với “bánh đúc”.
Ở đây đó, văng vẳng bên tai tôi “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”.
LNDH