Đức Huấn Blog

Giữa cõi bao la trời đất
Chẳng hay Người định đi đâu

Ông Sáu

09/05/2019  |  Lượt xem : 2837

Con người ta, đến và đi là điều vô định. Tạo Hóa sinh ra chúng ta vốn mang một bản tính lang bạt, không dừng chân ở một điểm quá lâu. Cái thời tuổi nhỏ máu nóng đến điên dại, khó chịu là dứt, bực mình là bỏ. Đó là tôi, một “thằng pé” gần sát tuổi băm.

Còn ông Sáu của chúng tôi thì khác.

Tôi biết ông Sáu từ ngày còn bé xíu. Nhà ông Sáu ở cách nhà tui tầm vài ba trăm mét. Ngôi nhà trong khu vườn rộng như kiểu nhà vườn truyền thống ở Bắc Việt. Ông Sáu đôi khi trầm ngâm, thích cười, hơi ít nói, hay pha trò khiến bọn trẻ xóm chúng tôi lúc nào cũng hớn hở :

“Con chào ông Sáu !”

“Tía bây, lớn dữ thần heng!”

Sau mấy câu chào, ông Sáu lại đạp xe vòng quanh xóm ngó nghiêng rồi tạt vào nhà ai đó tán dóc mấy câu.

Nhà ông Sáu trồng nhiều loại rau, trái cây ăn quả. Cả xóm chúng tôi luôn đến nhà ông Sáu để tiện mua cho gần, lại rẻ mà đỡ mất công đi chợ xa, mặc dù chợ chỉ cách có hơn một cây số.

Thuở nhỏ, tôi hay được má sai đi qua nhà ông Sáu mua mấy ngàn rau muống, rau dền. Ông Sáu lúc ấy sẽ luôn nói giọng ôn tồn “Ra sau nói bà Sáu cắt cho nhen con”, đôi lúc ông Sáu còn đi theo sau, hái cho tôi mấy trái ổi, mãng cầu.

Ông bà Sáu ở với nhau. Hiếm lắm mới thấy các anh chị về. Đó là lúc tôi vào mua ít rau quả mà ngửi thấy mùi nước hoa. Tôi lò dò hỏi bà Sáu

“Nhà có khách hả bà Sáu ? “

“Ừa ! Mấy chị về “

Tôi lớn lên, rời gia đình đi đến nhiều vùng đất mới, gặp gỡ nhiều người hơn. Nhưng mỗi lần về quê, xe chạy ngang qua nhà ông Sáu thì cũng phải ngó mắt vào ướm thử ông Sáu đang đứng đâu đó trong khu vườn rộng bao la bát ngát kia.

Một dạo tôi về nhà, đang ngồi chém gió với mấy đứa con trai trong xóm, thì tự dưng thằng nhóc trong xóm buông một câu

“Em không chịu được cảnh người ta đến và đi tý nào.”

“Sao thế ? Tôi bất giác nhìn nó”

“Nhà ông Sáu sắp chuyển đi anh ạ !” Nó không quên kèm tặng tôi tiếng thở dài.

Con trai ông Sáu nghe nói là làm giám đốc công ty dệt may lớn ở Sài Gòn, làm ăn thua lỗ. Vay mượn nợ nần khắp nơi. Mỗi lần về nhà là xin ông Sáu bán bớt mảnh vườn rộng lớn để trang trải nợ nần. Ông Sáu nhất quyết cự tuyệt.

“Đất vườn ông cha để lại, không làm cho nó nảy nở ra thì thôi, sao lại bán đi !”

Thế nhưng, nói là nói vậy, ông Sáu cũng lọ mọ lên Sài gòn xem tình trạng công ty thế nào. Đi đâu hơn một tuần. Ông Sáu về nhất quyết bán cả khu vườn. Nghe bà Sáu kể, lúc mới lên tới Sài Gòn, ông Sáu nhìn thấy mấy công nhân ra vào, mỗi người một cảnh nghèo, những đôi mắt thiên thần nhỏ đợi cha mẹ tan ca khiến ông không nỡ để họ cù bất cù bơ giữa phố thị. Ông Sáu bảo:

“Mình người nhà quê, có gì ăn đó, không sao cả. Người ta ở Sài Gòn cái gì cũng cần tiền, con trai mình làm ăn khờ dại ảnh hưởng đến trăm người. Sao mà lòng chịu nổi.”

Hơn hai tháng sau đó, tôi trở về nhà dịp hè thì nghe nói nhà ông Sáu đã đi hơn cả tuần.

Trước đây, tôi hay nghĩ mình có thể vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời. Nhưng có lẽ Tạo Hóa không cho chúng ta được quyền đi một mình, bởi thế đâu đó trên những bước đường chúng ta đi, dù là tuổi ấu thơ, thanh xuân, hay đã trưởng thành. Chúng ta đều phải chấp nhận quy luật đến và đi của Tạo Hóa. Thế hệ chúng tôi là một thế hệ lạ lùng. Đứa trẻ nào cũng thấy mình cô độc. Đứa trẻ nào cũng thấy mình bất hạnh và thiếu thốn tình yêu hơn người khác. Đặc biệt khi có ai đó bước vào rồi lại lặng lẽ rời đi.

Ông Sáu đi mang theo cả phần thanh xuân của anh em chúng tôi. Mảnh đất vườn năm xưa ấy, được người ta phân chia lô ra để bán. Thời đại công nghệ khiến mọi thứ đều diễn ra nhanh hơn, khiến những đứa trẻ gần ba mươi tuổi như tôi chới với những mớ hỗn độn của ký ức mỗi khi nghe tiếng vòng quay xe đạp.