Anh sinh ra nơi miền biển. Không phải quá tấp nập như phố thị, không quá lạnh lẽo hiu quạnh như cảnh ở đồng vắng, quê anh lại mang một nỗi buồn khác.
Quê anh nghèo, kinh tế chẳng trông mong vào được thứ gì. Người quê anh thì thường làm “thợ đụng” – ai cần gì thì làm nấy – nên cũng chẳng thể khấm khá lên được.
Gia đình anh không phải là ngoại lệ trong số phận đó.
Vì nhà nghèo nên bố anh lại khát khao bạc tiền. Bố anh thích đua đòi với những người bạn học thời nối khố. Bố anh đam mê xe máy, thích quần áo đẹp đẽ, ưa ngồi quán nhậu mà bàn luận chuyện chính trị. Kinh tế của gia đình anh thì chỉ biết trông mong vào tiệm bán tạp hóa nhỏ của mẹ anh.
Thế nhưng …
Những lần không có tiền trong túi, những lần cần tiền, thì hộc tiền của mẹ cũng chẳng còn đồng nào với “tài phá khóa” của bố anh. Những tiếng chửi mắng nhau, cãi nhau to tiếng, tiếng đánh đập dường như đã làm rạn nứt cái gia đình của anh. Bố mẹ anh trở nên hai con người xa lạ, hai kẻ đối đầu nhau đang cố gắng lặng im trong “ngôi nhà hiu quạnh” ấy. Mấy anh em của anh dường như quá quen với tiếng đập cửa, với tiếng chửi thề văng vẳng bên tai, với cảnh người ta đến đòi nợ, cảnh bố mẹ anh cãi nhau, đánh nhau. Điều ấy dường như là một phần tuổi thơ của anh rồi.
Anh buồn. Anh chán nản. Anh chẳng muốn học hành. Anh muốn buông bỏ.
Và anh đã tìm đến cái chết …
Anh nhẹ nhàng vất xe đạp trên bờ cát biển, lặng im đi nhẹ nhàng xuống biển. Nước dâng đến mắt cá chân, rồi qua đầu gối, đến thắt lưng, và dâng đến cổ.
Bất chợt, cảm giác sống trào lên. Anh cố gắng vùng vẫy, tránh từng đợt sóng đêm nhưng anh không tài nào thoát ra được. Khi đã lặng im làn nước thì anh nghe ai đó hò hét, có tiếng bước chân chạy trên mặt nước.
…Anh hôn mê …
Bừng tĩnh sau giấc mộng hai ngày, anh thấy mình đang mang đồng phục của bệnh viện, còn có một cô y tá thì đang nhoẻn cười chào anh. Hóa ra đêm ấy, cô y tá đang trên đường về nhà thì bắt gặp một chàng thanh niên trẻ tuổi đang tự tử ở bãi biển. Bằng hết sức lực của bản thân, cô y tá ấy giành lại sự sống của anh từ tay thần chết.
…ngồi lặng im ở hang ghế đá, anh khẽ bảo cô : “Sao đêm ấy chị cứu em làm gì ? Sao không để em về với biển ? ”. Cô y tá đáp : “Vì em phải sống, vẫn còn nhiều người cần em trả nợ. Nợ tiền của bố em, nợ hiếu với mẹ em. Nợ mạng sống chị giành lại cho em. Nợ cuộc đời bao năm hít thở”.
Lời nói của cô y tá ấy khiến anh chết lặng.
Sau thời gian nằm viện, anh trở về với ngôi nhà hỏa ngục ấy. Bố anh thì đã bỏ trốn vì nợ nần chồng chất. Nhà cửa thì bị ngân hàng tịch thu. Mấy mẹ con phải đi thuê nhà của người trong xóm mà kiếm kế sinh nhai. Bà mẹ quê hơn sáu mươi tuổi phải chịu cảnh này, khiến anh chết lặng. Bao nhiêu tủi hờn, nhục nhã đè nặng lên anh.
Anh khóc.
Giọt nước mắt của anh làm tôi thấy chạnh lòng và xót xa. Tôi hiểu cảnh nhà của anh, tôi hiểu bao nỗi buồn phiền và uất ức của anh. Hỏa ngục dường như muốn anh thanh luyện ngay trên trần thế này chứ không cần đến sau này. Thật lòng, tôi không hiểu Tạo Hóa đang muốn trêu đùa con người chăng ? Ở đâu đó tôi đọc thấy câu nói này : “Đừng trách Tạo Hóa sao để bạn mang gánh nặng quá lớn, nhưng hãy luôn tin tưởng rằng Tạo Hóa đang đánh giá bạn rất cao”…
Chúc cho anh sớm vượt qua sóng gió lớn trong cuộc đời, và tôi cũng cầu nguyện cho những ai đang đau đớn vì hoàn cảnh gia đình bất hạnh.
LNDH